Nguồn nhân lực tương lai của đất nước là đối tượng luôn được đảng và nhà nước quan tâm hàng đầu bởi đây sẽ là “lực lượng nòng cốt” hùng hậu nhất đi tiên phong và là hình ảnh biểu tượng cho sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam.
Ngày nay, mọi mặt xã hội đều phát triển và thay đổi nhanh chóng, do đó công tác về giáo dục và đào tạo cũng cần được thay đổi. Nắm bắt được thực trạng đó Đảng và Nhà nước ta đã tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Tại sao cần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo phát triển nguồn nhân lực?
Hiện nay, mặc dù nền giáo dục đang có những chuyển biến tích cực trong các chính sách phổ cập giáo dục nhưng việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo vẫn còn mắc phải một số hạn chế như nguồn lực tài chính đổi mới giáo dục còn hạn hẹp, thiếu sót trong quản lý và giải quyết các vi phạm kỷ cương của nhà trường, hay đội ngũ giáo viên còn trẻ và non yếu, cơ sở vật chất hỗ trợ công tác giảng dạy và học tập chưa được đảm bảo.
Trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa ở bất kì các quốc gia nào đều không thể thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt với sự phát triển của xã hội như hiện nay thì “nguồn nhân lực chất lượng cao” được coi là “kho báu” của một quốc gia. Là một nước đang phát triển, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay đang ở mức thấp và đặc biệt là “nguồn nhân lực chất lượng cao” đang bị thiếu hụt khá nhiều.
Việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực nhằm đẩy mạnh công tác trong giáo dục và học tập, xây dựng vững chắc chất lượng nguồn nhân lực từ các thế hệ trẻ cho đến các công nhân viên chức và những nguồn nhân lực đang làm việc trong các tổ chức.
Kế hoạch đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo phát triển nguồn nhân lực
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục
Thứ nhất, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các chính sách và thể chế giáo dục được quy định từ trước, Nhà nước tiến hành bổ sung thêm các bộ luật, thể chế cùng những chính sách mới để tạo điều kiện cho mọi trẻ em ở các vùng miền đều có cơ hội được học tập.
Thứ hai, đối với đội ngũ giáo viên cần nâng cao chất lượng, đảm bảo kỹ năng chuyên môn. Mỗi tổ chức phải đáp ứng đầy đủ số lượng đội ngũ giáo viên và các ban quản lý giáo dục các cấp. Yêu cầu nghiêm chỉnh thực hiện tốt các quy định, thể chế được Nhà nước ban hành.
Thứ ba, tiếp cận với sự phát triển của xã hội hiện đại. Bồi dưỡng, đào tạo thêm Ngoại ngữ cho thế hệ trẻ, đặc biệt là Tiếng anh ở tất cả các cấp. Đẩy mạnh việc sử dụng, ứng dụng Công nghệ thông tin vào các chương trình giảng dạy trên lớp. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá định kỳ từ học sinh cho đến đội ngũ giáo viên và nhanh chóng tìm các giải pháp khắc phục khi có trục trặc xảy ra.
Đào tạo phát triển nguồn nhân lực
Trước hết, để phát triển được nguồn nhân lực vô cùng dồi dào như hiện nay cần phát hiện và tìm ra những nhân tài (có sở trường, năng khiếu, thế mạnh, tài lẻ đặc biệt). Bên cạnh đó, tiến hành công tác khảo sát, điều tra để tìm ra tình trạng hiện tại của nguồn nhân lực đang bị kém hơn so với mặt bằng chung.
Tiến hành đào tạo, bồi dưỡng nhân tài bằng cách phối hợp với các bên liên quan để động viên tinh thần, cỗ vũ họ thể hiện bản thân mình.
Thành lập các tổ chức đào tạo, bồi dưỡng riêng ở cấp độ cao hơn dành cho những nguồn nhân lực có tiềm năng (đào tạo các kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng mềm,..). Các nội dung đào tạo luôn bám sát theo đặc thù riêng của từng tổ chức để nhân lực dễ dàng nắm bắt cũng như áp dụng vào thực tiễn.
Đối với những nguồn nhân lực chất lượng thấp cần quan tâm đến chất lượng cuộc sống của họ, thấu hiểu hoàn cảnh cũng như trưng cầu những vướng mắc mà họ đang gặp phải để có thể hỗ trợ giải quyết một cách nhanh nhất. Đồng thời, tiến hành đào tạo những lỗ hổng về kiến thức cũng như kỹ năng để họ bắt kịp với những người có trình độ cơ bản nhất.
Bên cạnh các chính sách đào tạo về kiến thức, kĩ năng, các tổ chức cần hỗ trợ các cá nhân về phương diện cơ sở vật chất cũng như luôn động viên, khích lệ tinh thần của mọi người trong công việc và cuộc sống.
Như vậy, có thể thấy rằng Đảng và Nhà nước luôn có những chính sách tích cực trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo phát triển nguồn nhân lực của nước ta. Mỗi công dân là một niềm hy vọng lớn lao của xã hội và đất nước do đó mỗi người cần có ý thức thực hiện những chính sách, chủ trương được ban hành để góp phần tạo nên một xã hội công bằng – dân chủ – văn minh.