Khi cho bạn bè, người thân hay họ hàng mượn xe máy hay bạn có ý định cho họ chiếc xe mà không muốn làm hợp đồng các bạn đã bao giờ nghĩ đến các trường hợp xấu có thể xảy ra chưa? Nếu chiếc xe đó gây tai nạn thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Khi bạn cho họ mượn mà không may người quen, bạn bè, người thân của bạn mang chiếc xe đi cầm cố đến hạn không trả được, hay những người đó có ý xấu muốn chiếm đoạt chiếc xe gây nên tranh chấp về tài sản. Đó chỉ là số ít những trường hợp xấu có thể xảy ra. Căn cứ vào đâu để có thể giải quyết những vấn đề đó? Giấy ủy quyền xe máy chính là một trong những thứ có thể dựa vào đó để xử lý những vấn đề nan giải trên. Bài viết này sẽ giải đáp những vấn đề liên quan đến giấy ủy quyền xe máy.
Giấy ủy quyền xe máy là gì ?
Trong luật pháp của Nhà nước Việt Nam thì ủy quyền là điều được quy định trong bộ luật dân sự. Chúng ta có thể hiểu nôm na như sau, hoạt động ủy quyền chỉ hành động của một cơ quan/cá nhân cho phép cơ quan/cá nhân khác có quyền được đại diện mình thực hiện, quyết định một hành vi pháp lý nào đó nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cho hành vi ủy quyền đó.
Dựa vào những khái niệm cơ bản trên ta có thể hiểu giấy ủy quyền xe máy là loại giấy dành cho chủ xe muốn cho người khác mượn xe của mình, thông thường những người mượn xe là người thân, bạn bè, họ hàng. Giấy ủy quyền là như một loại chứng từ để chứng minh chủ xe đã cho người mượn xe toàn quyền sử dụng xe máy khi tham gia giao thông, nếu có xảy ra tranh chấp tài sản thì hai bên tự giải quyết với nhau.
Bên cho và mượn phải tự thỏa thuận các điều khoản với nhau, mâu thuẫn phát sinh phải tự giải quyết. Khi có tranh chấp phát sinh do không có thỏa thuận trước thì phải tự chịu trách nhiệm.
Nội dung cơ bản của giấy ủy quyền xe máy
Theo mẫu giấy thì giấy ủy quyền xe máy được chia thành 4 phần chính .
- Phần thứ nhất là thông tin của người ủy quyền bao gồm thông tin về : họ tên, địa chỉ, số và ngày cấp CCCD/CMND, quốc tịch và quan hệ với người được mượn.
- Phần thứ hai là thông tin của người được ủy quyền: họ tên, địa chỉ, số và ngày cấp CCCD/CMND, quốc tịch và quan hệ với người cho mượn.
- Phần ba là nội dung ủy quyền.
- Phần bốn là nội dung cam kết: Bên ủy quyền và bên được ủy quyền sẽ phải chịu trách nhiệm với nội dung ủy quyền, phát sinh mâu thuẫn sẽ phải tự giải quyết, giấy ủy quyền xe máy sẽ được lập 03 bản, mỗi bên giữ một bản và bản còn lại giữ ở văn phòng công chứng.
Còn một số phần phụ như: Quốc hiệu, tiêu ngữ, tên của mẫu giấy ủy quyền, phần xác nhận của cơ quan chức năng, chữ ký của hai bên.
Tác dụng của giấy ủy quyền xe máy
Một số lợi ích của giấy ủy quyền xe máy có lợi hơn so với hợp đồng. Lưu ý nếu muốn đảm bảo về tính pháp lý thì cần làm giấy ủy quyền tại văn phòng công chứng.
- Trong thời gian, thời hạn của của giấy ủy quyền thì bên được ủy quyền sẽ không phải làm thủ tục đổi chủ, sang tên của mình. Và tất nhiên sẽ không bị giới hạn trong thời gian 30 ngày kể từ ngày lập hợp đồng như hợp đồng mua bán xe.
- Bên được ủy quyền sẽ có đầy đủ các quyền như của chủ xe như: quyền định đoạt, quyền sử dụng và quyền chiếm hữu.
- Do giấy ủy quyền xe máy có tác dụng tương đương hợp đồng, nên bên ủy quyền không thể đơn phương chấm dứt không cho bên được ủy quyền không được mượn xe nữa. Chỉ có thể hủy giao kèo thi cả hai cùng ra văn phòng công chứng để làm việc.
Một số hạn chế của giấy ủy quyền xe máy
Cái gì cũng có hai mặt lợi và hại của nó, vì vậy các bạn hãy lưu ý một số mặt hạn chế của giấy ủy quyền xe máy
- Thời hạn ủy quyền chỉ như được ghi trong hợp đồng mà thôi, cùng lắm chỉ có 10 năm.
- Bên được ủy quyền không có quyền sang tên chiếc xe thành của mình. Nếu muốn sang tên thì sẽ rất phức tạp, bên được ủy quyền phải làm giấy ủy quyền hoặc là bán cho bên thứ ba, rồi bên thứ ba bán lại cho bên được ủy quyền.
- Xe được ủy quyền sẽ không phải là xe chính chủ vì vẫn cầm giấy tờ xe mang tên chủ cũ.
- Vì như đã nói ở trên thì giấy ủy quyền xe máy được chia làm 03 bản, rồi giữ ở văn phòng công chứng 01 bản, nếu một trong hai bên làm mất giấy ủy quyền sẽ phải đi trích lục để làm lại.
- Nếu hợp đồng ủy quyền hết hạn mà bên được ủy quyền không liên lạc được với bên ủy quyền để gia hạn hợp đồng thì mọi quyền của bên được ủy quyền sẽ hết hiệu lực và chiếc xe sẽ trở lại thành tài sản của chủ cũ.
Như vậy, khi cho người thân, bạn bè, họ hàng mượn xe hay muốn cho, tặng chiếc xe đó luôn thì bạn hãy suy nghĩ đến việc làm giấy ủy quyền xe máy. Làm giấy ủy quyền xe máy có cả ưu và nhược điểm nhưng những ưu điểm nó mang lại rất hữu ích cho những người cần. Có thể đảm bảo về tính pháp lý, an toàn về tài sản và không gây mất lòng người khác vì tất cả đã được quy định rõ ràng rồi được hai bên ký tên xác nhận. Hy vọng bài viết sẽ có ích cho những ai đang có ý định ủy quyền xe máy.