Bạn là phụ huynh nhưng mới cho con đi học nên chưa có nhiều kinh nghiệm để nắm bắt được năng lực của con …?
Bạn có con đang theo học các trường quốc tế nhưng chưa nắm được quy trình học tại trường của con?
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu 5 bước trong dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Cụ thể tại các trường quốc tế ở Việt Nam.
Năng lực là gì?
Trước nay vẫn luôn tồn tại nhiều quan niệm về năng lực.
Theo Từ điển tiếng Việt: Năng lực được định nghĩa là khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có gắn liền với những phẩm chất về trí nhớ, tính nhạy cảm, trí tuệ, tính cách của cá nhân. Năng lực có thể được phát triển trên cơ sở những năng khiếu (đặc điểm sinh lí của con người, trước hết là của hệ thần kinh trung ương), song không phải hoàn toàn là bẩm sinh, mà là kết quả phát triển, rèn luyện và thích ứng với môi trường xã hội của con người.
Năng lực cao, đạt được những thành tựu xuất sắc, hoàn thiện, mới mẻ, có ý nghĩa xã hội thì gọi là tài năng. Người có tài năng đặc biệt làm nên kỳ tích trong hoạt động sáng tạo trên mức bình thường thì được gọi là thiên tài.
Theo OECD – Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế: Năng lực là khả năng đáp ứng linh hoạt những yêu cầu phức hợp trong một bối cảnh cụ thể.
Phát triển năng lực là gì?
Năng lực được hình thành, phát triển nhờ những tố chất sẵn có của mỗi người và quá trình học tập, rèn luyện, tổng hợp các kiến thức, kĩ năng cùng với các thuộc tính cá nhân khác như sự hứng thú, niềm tin và ý chí, … để thực hiện thành công một loại hoạt động nhất định và đạt được kết quả mong muốn trong những điều kiện cụ thể.
Tóm lại, dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả theo định hướng phát triển năng lực học sinh là chú trọng vào khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống khác nhau của học sinh.
Nói cách khác, phát triển năng lực là phát triển cả kiến thức, kỹ năng và cách ứng xử trong đời sống của học sinh đối với những gì được học ở trường lớp.
Xét về bản chất, giữa phát triển năng lực và phát triển kiến thức, kĩ năng học sinh không hề có sự mâu thuẫn, mà đánh giá năng lực được coi là bước phát triển cao hơn so với đánh giá kiến thức, kỹ năng. Nếu như kiến thức là thứ được học trên sách vở, kỹ năng được áp dụng trong đời sống hằng ngày thì năng lực lại là khả năng vận dụng cả hai thứ đó một cách hiệu quả.
Dạy và học theo định hướng phát triển năng lực học sinh là gì?
Trong dạy học theo định hướng phát triển năng lực, học sinh sẽ có nhiều cơ hội được trải nghiệm ở nhiều môi trường khác nhau như học tập ở trường, học trực tuyến tại nhà và học các kỹ năng thực tế trong cộng đồng, qua đời sống hằng ngày.
Ở từng môi trường học tập khác nhau sẽ có chương trình và lộ trình học tập khác nhau để phù hợp với sở thích và năng lực vốn có của học sinh.
Dạy và học theo phương pháp này giúp khuyến khích học sinh chủ động trong học tập nhờ sự hứng thú, năng động và tương tác với giáo viên nhiều hơn, tạo nên phong trào học tập hăng hái, sôi nổi, góp phần phát huy năng lực có hiệu quả …
Kiểm tra, đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực là gì?
Trong chương trình dạy học phát triển năng lực, một hệ thống bài bản được xây dựng nên nhằm kiểm tra, đánh giá toàn diện năng lực của học sinh như là một phần thiết yếu của quá trình học tập.
Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được tiến hành dựa trên kết quả tổng hợp về mức độ hiểu biết và kỹ năng vận dụng của học sinh đối với một đơn vị kiến thức nào đó.
Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh đối với các môn học và hoạt động giáo dục khác theo từng giai đoạn phù hợp, khoa học chính là biện pháp chủ yếu để xác định mục tiêu về mô-đun dạy học kiến thức, kĩ năng, thái độ và năng lực, đồng thời có vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả học tập của học sinh.
Với định hướng phát triển năng lực của học sinh, các em sẽ dần dần hoàn thiện và thành thạo các năng lực của bản thân sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn nghề nghiệp, từ đó sẵn sàng cho việc lựa chọn đại học và lĩnh vực nghề nghiệp trong tương lai để đặt ra các mục tiêu và kế hoạch học tập rõ ràng.
Từ những phân tích trên có thể rút ra 5 bước trong dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh như sau:
Các bước cần tiến hành trong dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh
- Bước 1: Thu thập thông tin
- Bằng việc nghe giảng và tự học, quan sát, lắng nghe cuộc sống, …
- Bước 2: Phân tích và xử lý thông tin
- Đây là bước quan trọng để học sinh hiểu và xác định được mục tiêu tiếp cận thông tin.
- Bước 3: Xác nhận kết quả học tập
- Học sinh thực hiện kiểm tra định kỳ theo chương trình.
- Bước 4: Đánh giá thành tích học tập
- Bước đánh giá này không nên đặt nặng việc xếp loại mà nên đưa ra mức độ thông hiểu, vận dụng để đánh giá năng lực học sinh.
- Bước 5: Định hướng và lên kế hoạch học tập phù hợp với năng lực học sinh.
Trên đây là 5 bước trong dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh các bậc phụ huynh có thể tham khảo để lựa chọn cho các con một môi trường dạy và học tốt nhất!